
Đồng chí Đặng Huy Hậu- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh gióng trống khai hội

Đồng chí Hà Hải Dương- TUV, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã phát biểu khai mạc lễ hội



Các đại biểu dâng hương cầu Quốc thái dân an

Tới dự có đồng chí Đặng Huy Hậu- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành, đoàn thể và đông đảo du khách, tăng ni, phật tử




Chùa Ngọa Vân trong ngày khai hội thu hút hàng chục ngàn lượt khách
Là một trong 5 ngôi chùa thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, hệ thống chùa, am, tháp Ngoạ Vân là những kiến trúc phật giáo lớn của Thiền phái Trúc Lâm được hình thành vào đầu thế kỷ XIV thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê (TX Đông Triều). Am Ngoạ Vân là nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông từng tu hành, hoá Phật. Nhận rõ những giá trị to lớn của miền “Thánh địa” - kinh đô Phật giáo Trúc Lâm, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Quảng Ninh; sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Quảng Ninh; các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học; sự thành tâm phát tâm công đức của cộng đồng các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, của tăng ni, phật tử và các tầng lớp nhân dân; trong 10 năm qua, thị xã Đông Triều đã tích cực phối hợp với Ban Trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh dồn tâm sức, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích Ngọa Vân, cũng như Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều theo Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong năm 2017, thị xã Đông Triều phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Bảo tàng Quảng Ninh tổ chức khai quật tại di tích Am Ngọa Vân và di tích Đá Chồng thuộc Cụm di tích Ngọa Vân, qua đó đã phát hiện được nhiều dấu vết kiến trúc và di vật quan trọng; là những căn cứ lịch sử, khoa học để thị xã tiếp tục đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong thời gian tới. Công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phát triển du lịch văn hóa tâm linh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân, phật tử và du khách hành hương về “Thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm đã và đang được quan tâm đầu tư: Tuyến đường hành hương kết nối di tích - danh thắng Yên Tử (Uông Bí) với Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều; tuyến đường kết nối hệ thống lăng mộ các vua Trần đã được hoàn thành; tuyến đường từ Hồ Thiên kết nối sang Ngọa Vân cũng đang được khẩn trương triển khai, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ mùa lễ hội 2018; hệ thống cáp treo Ngọa Vân đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, phật tử và du khách tham quan, chiêm bái miền “Thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm.
Tại lễ khai hội xuân Ngọa Vân năm 2018 đã diễn ra nhiều hoạt động như: Gióng trống - Thỉnh chuông khai hội; nghi lễ tâm linh (Lễ chúc phúc đầu năm, Lễ cầu Quốc thái dân an). Đặc biệt, phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian (Giao lưu văn nghệ của các câu lạc bộ hát chèo, đi cầu kiều, kéo co, bịt mắt bắt vịt, bắt trạch trong chum, ném còn…) được tổ chức tại khu vực nhà ga cáp treo Ngọa Vân.
Lễ hội xuân Ngọa Vân được duy trì tổ chức vào ngày 09 tháng giêng và diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, với ý nghĩa hướng về cội nguồn; là dịp để quý vị đại biểu, các tầng lớp nhân dân, phật tử và du khách hành hương về Ngọa Vân, Đông Triều - Vùng đất Phật trời Nam để dâng hương, kính lễ, bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức to lớn của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm; cầu phúc, cầu tài cho một năm an lạc. Ngày khai hội xuân Ngọa Vân đã trở thành ngày mà “muôn tâm” tụ về cõi Phật, nơi Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn - “Thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm. Ngọa Vân sẽ trở thành điểm đến tâm linh mỗi độ tết đến xuân về.
Lễ hội là dịp để nhân dân và du khách thập phương hành hương về “Thánh địa của thiền phái Trúc Lâm”; nơi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm lựa chọn là nơi nhập Niết Bàn, hóa Phật. Đây là hoạt động thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhằm tôn vinh, tri ân công đức to lớn của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với đất nước và đạo pháp dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, tuyên truyền quảng bá để nâng cao nhận thức cho nhân dân và du khách thập phương về tầm quan trọng, giá trị to lớn của Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều; từ đó tích cực tham gia quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích./.
CTV: Thu Trang- Thành Hưng