Language:  
       Giới thiệu về Đông Triều | Thông tin liên hệ
       Thứ sáu, ngày 26/4/2024
 
  Danh mục

Trang chủ > TIN TỨC - SỰ KIỆN

Đông Triều: Xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, nâng cao vị thế vải thiều

01/06/2018 03:48:03 PM
Là địa phương trọng điểm nông nghiệp của tỉnh trong đó cây vải được coi là loại cây ăn quả ưu thế của Đông Triều, những năm qua, thị xã Đông Triều luôn đồng hành cùng nông dân trồng vải triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng cây vải và từng bước đưa quả vải thành loại sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị cao cho người dân.

Năm 2015, thị xã Đông Triều triển khai mô hình đưa quy trình sản xuất vải thiều theo hướng VietGap tại vùng vải xã Bình Khê

 Niềm vui được mùa vải của nông dân Đông Triều

Vải Đông Triều đang từng bước nâng cao vị thế

Thị xã Đông Triều sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm quả Vải Đông Triều

Cách đây hơn chục năm, vải thiều được coi là cây giảm nghèo, làm giàu của nông dân Đông Triều. Chính vì thế, Đông Triều được coi là “vùng đất vải” của tỉnh Quảng Ninh với hàng ngàn ha vải bạt ngàn, trĩu nặng quả. Tuy nhiên, thời kỳ này kéo dài không lâu bởi thời gian đó người nông dân Đông Triều nói riêng, các hộ trồng vải trong cả nước nói chung còn hạn chế về quy trình chăm sóc cây vải. Do áp dụng kỹ thuật chưa đúng cộng thêm việc khai thác quá tiềm năng của cây dẫn đến sức chống chịu sâu bệnh kém nên cây vải phát triển không cân đối, chống chịu sâu bệnh kém, chất lượng quả không đồng đều, giá bán thấp. Vào năm 2008, khi cây vải rơi vào vòng luẩn quẩn của điệp khúc “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa” khiến các hộ trồng vải ở đây “lao đao” và số phận chung của cây vải thiều ở Đông Triều là những gốc vải to nhiều năm tuổi đã bị đốn hạ để chuyển đổi sang cây trồng khác. Chỉ trong một vài năm, diện tích trồng vải của Đông Triều tụt giảm nghiêm trọng. Người dân thì ngậm ngùi, xót xa khi phải chặt bỏ đi thành quả lao động từng được coi là chủ lực kinh tế của gia đình.

Đó là chuyện của 10 năm trước, còn ngày nay tình trạng chặt vải ồ ạt đã lùi vào quá khứ. Bởi so sánh giá trị kinh tế của cây vải thiều với các loại cây trồng khác thì cây vải thiều vẫn có chỗ đứng trong các mặt hàng nông sản có giá trị trên thị trường. Không còn giống với trước kia là đốn hạ các gốc vải mà nay các hộ trồng vải ở Đông Triều đều quyết tâm bảo vệ cây, hồi sinh loại cây được coi là đặc sản của địa phương. Đến nay, toàn thị xã còn 948 ha vải chín sớm và vải thiều, trồng tập trung ở các xã Tràng Lương, Bình Khê, An Sinh, Hồng Thái Đông. Năm nay, dự kiến năng suất vải của thị xã Đông Triều bình quân đạt 12 tấn/ha và tổng sản lượng ước đạt trên 11.500 tấn quả.

Ông Phan Thanh Sản- Chủ tịch UBND xã Bình Khê, thị xã Đông Triều cho biết: “Bình Khê là vùng cây ăn quả tập trung nhất của thị xã Đông Triều rộng đến 550 ha, trong đó được xem là “vựa vải” lớn nhất của thị xã với 310ha. Để nâng cao giá trị quả vải bà con nơi đây đã đưa giống vải chín sớm (U trứng, U lai) vào trồng và được thị trường ưa chuộng. Hiện cả xã có 25 ha vải u trứng. Năm 2006, giống vải chín sớm Bình Khê (còn gọi là u trứng) được công nhận là giống chính thức. Giống vải này được lưu giữ tại vườn giống của Viện Nghiên cứu Rau quả và Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc”.

Năm nay, giống vải chín sớm ở Bình Khê và Hồng Thái Đông cho năng suất cao với giá bán đầu mùa từ 38.000-40.000 đồng/kg, hiện đã thu hoạch xong. Đối với diện tích vải thiều đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Dự kiến sản lượng thu hoạch là trên 2.000 tấn quả. Trong thời gian tới, mục tiêu của xã Bình Khê đặt ra là sẽ “trẻ hoá” toàn bộ diện tích trồng cây vải thiều, mở rộng diện tích vải chín sớm.

Đánh giá đúng vị trí, tầm quan trọng của cây vải thiều ở Đông Triều, được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Viện cây ăn quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thường trực Thị ủy, UBND thị xã đã cùng vào cuộc giúp nông dân Đông Triều nâng cao giá trị kinh tế của vải thiều, từng bước khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”. Bên cạnh việc đưa giống vải chín sớm vào trồng, kỹ thuật chăm sóc cây vải cũng được thị xã Đông Triều đặc biệt quan tâm. Năm 2015, thị xã Đông Triều triển khai mô hình đưa quy trình sản xuất vải thiều theo hướng VietGap tại vùng vải xã Bình Khê vào ứng dụng với diện tích 20,6ha gồm 41 hộ tham gia. Thôn Đồng Đò là thôn có diện tích trồng vải theo hướng VietGAP lớn nhất của xã Bình Khê. Đồng Đò có 185 hộ dân, hầu hết đều trồng vải, trong đó 41 hộ trồng theo hướng VietGAP trên diện tích 20,8ha. Những cây vải trên 15 tuổi đã được cải tạo lại theo quy trình sản xuất vải thiều VietGap. Bà Nguyễn Thị Nhuộm, thôn Đồng Đò, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều chia sẻ: “Khi tham gia vào mô hình VietGAP, nông dân trồng vải được hỗ trợ 50% chi phí phân bón, thuốc trừ sâu và được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc tỉa cành đến cách bón phân, phun thuốc trừ sâu, kỹ thuật thu hái cũng như bảo quản để sản phẩm có chất lượng cao nhất. Vì thế, chất lượng quả vải được nâng lên, quả ngọt hơn, màu sắc đẹp hơn và giá trị kinh tế của vải thiều áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap cao hơn vải trồng không áp dụng kỹ thuật VietGap”.

Trong hai năm qua, Viện rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiếp tục triển khai mô hình đưa quy trình sản xuất vải thiều theo hướng VietGap và GlobaGap tại vùng vải xã Bình Khê vào ứng dụng với diện tích 30ha. đảm bảo tỷ lệ ra hoa, đậu quả, đảm bảo chất lượng, mẫu mã đáp ứng được các tiêu chuẩn để tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, để đạt mục tiêu xây dựng, phát triển bền vững các loại cây ăn quả chủ lực trong vùng sản xuất tập trung, góp phần tái cơ cấu ngành trồng trọt. năm 2017 UBND tỉnh có quyết định số 4008/QĐ- UBND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Sản xuất vải, na Đông Triều theo quy trình VietGap đảm bảo an toàn thực phẩm vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh giai đoạn 2018- 2020. Trên cơ sở đó Sở NN&PTNT và TX Đông Triều đã tiến hành lập Dự án chi tiết “Xây dựng, phát triển sản xuất vải thiều, na Đông Triều theo quy trình VietGAP tại 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Bình Khê, An Sinh, Việt Dân)”. Chủ trương xây dựng quy trình VietGAP cho cây vải thiều thể hiện sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ của tỉnh và thị xã đối với loại cây ăn quả chủ lực của địa phương. Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP sẽ góp phần quan trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu cho vải thiều Đông Triều, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia. Cùng với đó, thực hiện chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đồng thời tăng cơ hội thu nhập cao cho nông dân, từ cuối tháng 3/2018, HTX Vải thiều Đông Triều đã được thành lập. Tuy mới hình thành, số lượng thành viên chưa đông song sự ra đời của HTX sẽ là bước ngoặt giúp ích rất nhiều cho người trồng vải ở Đông Triều.

Mặc dù có tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nước tưới, chuyển đổi các giống vải và mở rộng áp dụng kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGap song khó khăn nhất hiện nay với các hộ trồng vải Đông Triều chính là thị trường tiêu thụ bền vững cho loại sản phẩm này. Hiện các hộ trồng vải ở đây chủ yếu bán lẻ tại các chợ và trong tỉnh hoặc bán thông qua thương lái đóng hộp xốp, vận chuyển bằng xe đông lạnh tiêu thụ tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung Quốc nên dễ bị tư thương ép giá. Năm 2016- 2017, thị xã Đông Triều đã triển khai thực hiện Chứng nhận nhãn hiệu tập thể vải thiều Đông Triều và năm 2018 đã nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ để cấp Văn bằng bảo hộ. Đồng chí Đặng Đình Thắng- Trưởng phòng Kinh tế thị xã Đông Triều cho biết: “Để đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm vải thiều Đông Triều thì các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm, thị trường tiêu thụ cho loại quả này là rất cần thiết. Thị xã Đông Triều sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và bàn các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm quả Vải Thiều Đông Triều; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân, Hợp tác xã, nhóm hộ trồng Vải Thiều gặp gỡ, giao lưu tìm kiếm đối tác, tìm hiểu nhu cầu, phương thức thu mua, kết nối cung cầu sản phẩm quả Vải Thiều Đông Triều; thiết lập chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ, ổn định giữa vùng trồng Vải Thiều và thị trường tiêu thụ. Mục tiêu của thị xã là sẽ nâng cao vị thế, danh tiếng về chất lượng, thương hiệu quả Vải Thiều Đông Triều, tạo sức cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường trong, ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu”.

Một vụ thu hoạch vải mới đang bắt đầu! Với nhiều thế mạnh sẵn có như: thiên nhiên ưu đãi, kỹ thuật chăm sóc được nâng cao và quan trọng hơn cả là đầu ra được ổn định, chắc chắn vùng vải Đông Triều sẽ được hồi sinh, phát triển và thương hiệu vải Đông Triều sẽ cạnh tranh, vươn cao, vươn xa ra khắp trong và ngoài nước./.

 

CTV: Thu Trang- Thành Hưng

 



Các tin liên quan:
  Quyết định điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Đông Triều đến năm 2040
  Danh mục dự án của thị xã và thứ tự ưu tiên thực hiện trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
  Kết quả triển khai thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 trên địa bàn thị xã Đông Triều
  Tỉnh Quảng Ninh: Na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử
  Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại
  Đông Triều: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
  Nâng chất các sản phẩm OCOP Đông Triều
  Đông Triều: Nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp
  Tiên phong trong lĩnh vực giải quyết TTHC
  Đông Triều: Thúc đẩy ngành Nông nghiệp tăng trưởng
  Thương mại điện tử: Cơ hội đưa nông sản vươn xa
  🥇Quảng Ninh xây dựng sàn thương mại điện tử riêng để tiêu thụ nông sản
  Quảng Ninh đưa na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử
  TX Đông Triều: Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử địa phương
  Thị xã Đông Triều đưa vào vận hành Sàn TMĐT Đông Triều Mart nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm Na cho địa phương.