Language:  
       Giới thiệu về Đông Triều | Thông tin liên hệ
       Thứ tư, ngày 24/4/2024
 
  Danh mục

Trang chủ > TIN TỨC - SỰ KIỆN

ĐỂ NA ĐÔNG TRIỀU VƯỢT QUA MÙA DỊCH

31/07/2021 03:18:42 PM
Thời điểm này, nông dân Đông Triều bắt đầu bước vào vụ thu hoạch na dai lớn nhất trong năm. Thế nhưng, những thị trường tiêu thụ chính của na dai Đông Triều trong suốt nhiều năm qua như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Bình… hiện đang phải thực hiện giãn cách xã hội và phong tỏa. Để na "qua chốt" đến với người tiêu dùng mà vẫn giữ giá cho người trồng, bên cạnh những giải pháp tiêu thụ truyền thống, TX Đông Triều đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt để thúc đẩy tiêu thụ và tạo cho na dai những con đường xuất bán mới trên sàn thương mại điện tử.

 

Năm 2021, TX Đông Triều có 1.550 hộ trồng na với trên 800ha (chủ yếu là na dai), tập trung tại các xã Việt Dân, An Sinh, Tân Việt, Bình Khê..., sản lượng dự kiến 6.500 tấn quả. Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11.

Ảnh trong văn bản

Na dai Đông Triều từ lâu được biết đến với mùi vị đặc trưng, thơm ngon, quả to, vỏ mỏng, bóng, sáng màu... và thường chín sớm hơn so với na ở những khu vực khác. Do đó na chín đến đâu có thương lái thu mua hết đến đó. Chuyện nhà vườn thu lãi hàng trăm triệu đồng hay tỷ đồng mỗi năm ở Đông Triều không phải là chuyện hiếm. Vì thế, nhiều năm nay, cây na đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của thị xã, tập trung chủ yếu ở các xã Việt Dân, An Sinh, Tân Việt, Bình Khê...

Ảnh với chú thích
 Ông Nguyễn Văn Được (thôn Tân Thành, xã Việt Dân) đã gắn bó 25 năm với vườn na.

Ông Nguyễn Văn Được (thôn Tân Thành, xã Việt Dân), một lão nông dày kinh nghiệm với 25 năm trồng na, cho biết: Na dai Việt Dân cho chất lượng tốt, sản lượng cao là nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp, thêm vào đó là sự cần cù, chịu khó của người dân. Thế nên, từ cây xóa đói giảm nghèo, cây na đã trở thành cây làm giàu của người dân địa phương. Đến nay, hầu hết các hộ trồng na trong xã xây được nhà ở khang trang, to đẹp, kinh tế ổn định. Thậm chí, với nhiều gia đình, vườn na còn là của hồi môn cho con khi xây dựng gia đình. Gia đình ông Được có gần 1ha trồng na dai, khi con trai lấy vợ, ông cho một nửa vườn, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ảnh với chú thích
Nhờ chịu khó chăm sóc, mỗi năm gia đình chị Hà Thị Thu thu nhập gần 100 triệu đồng từ na.

Để sản phẩm na dai Đông Triều có thương hiệu, phát huy được hết giá trị, từ năm 2018 TX Đông Triều phối hợp với Bộ NN&PTNT, Sở KH&CN, Sở NN&PNT vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân tuân thủ quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP được trên 350ha, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu tập thể.

Quả na dai sau thu hoạch được dán mã QR, đóng gói theo quy cách, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Quy trình này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, mà còn giúp các hộ trồng na mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm. Tại xã An Sinh, nơi có diện tích trồng na lớn nhất TX Đông Triều, cây na hiện chiếm 1/3 tổng thu nhập từ nông sản của xã, đóng góp trên 100 tỷ đồng/năm vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thống kê năm nay với sản lượng toàn thị xã đạt khoảng 6.500 tấn, quả na sẽ mang lại khoảng 200 tỷ đồng doanh thu cho các hộ dân.

Ảnh với chú thích
 Được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, những quả na sau khi thu hoạch được gắn tem và có mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Ảnh trong văn bản

Do có đặc thù là na chín theo thời điểm, thời gian thu hoạch chính vụ tương đối ngắn (từ ngày 25/7-15/9), lại khó bảo quản, nên thời gian từ lúc cắt quả na đưa đến tay người sử dụng chỉ từ 1-2 ngày. Nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ có những ảnh hưởng lớn tới hoạt động tiêu thụ na, cuối tháng 6/2021, lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo Phòng Kinh tế tổ chức rà soát, làm việc với các xã, phường và cơ quan, đơn vị liên quan để báo cáo, đề xuất các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm na. Các xã, phường có sản phẩm na đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các hộ trồng na, thương lái, đầu mối để bàn, thống nhất các giải pháp, đảm bảo tiêu thụ na trong tình hình dịch bệnh.

Ảnh với chú thích
Đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra việc sản xuất và phương án tiêu thụ na của thị xã.

Ngay đầu tháng 7, thị xã đã xây dựng xong kịch bản tiêu thụ na theo 3 cấp độ dịch bệnh (chưa có ca dương tính trên địa bàn, xuất hiện ca dương tính, xuất hiện nhiều ca dương tính; trong đó các địa phương trồng na phải thực hiện các biện pháp giãn cách) và có giải pháp cụ thể theo từng cấp độ. Thị xã thành lập Tổ công tác để chỉ đạo, điều hành hoạt động tiêu thụ na, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã (phụ trách nông nghiệp) làm Tổ trưởng. UBND các xã, phường  rà soát, thống kê, lập danh sách 241 đầu mối thương lái, lái xe tham gia hoạt động tiêu thụ sản phẩm na với đầy đủ các thông tin: Họ tên, địa chỉ, biển kiểm soát phương tiện, thị trường tiêu thụ, tuyến đường vận chuyển, mức tiêu thụ bình quân trong ngày...

Ảnh với chú thích
Trung tâm Y tế TX Đông Triều tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tự trả phí cho thương lái và các hộ trồng na trên địa bàn.

Đến nay, thị xã đã cấp trên 100 logo "Xe chở hàng na dai Đông Triều" cho các phương tiện vận chuyển, phân luồng ưu tiên làm thủ tục kiểm soát dịch bệnh. Các xã đã bố trí điểm lấy mẫu xét nghiệm tập trung (có trả phí) tại trạm y tế xã để lấy mẫu theo hình thức mẫu gộp cho các đầu mối, thương lái, lái xe, phụ xe, người trực tiếp tham gia hoạt động tiêu thụ. Hội Nông dân thị xã phối hợp với Viettel Post Quảng Ninh thực hiện khâu vận chuyển cho các đầu mối không thể vào được thị xã để thu mua na.

Ảnh với chú thích
 Cùng với việc cấp logo riêng, thị xã cũng bố trí luồng riêng qua các chốt kiểm tra để cho các phương tiện vào thu mua na thuận lợi nhất, gắn với công tác phòng chống dịch, rút ngắn thời gian từ điểm thu mua đến thị trường. 

Ông Nguyễn Đông Thắng (tỉnh Thái Bình), thương lái gắn bó với vùng na Đông Triều từ năm 2004 đến nay, cho biết: Na Đông Triều rất được thị trường ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định ưa chuộng vì chất lượng nổi trội. Mọi năm không có dịch, việc đi lại thu mua, tiêu thụ rất thuận lợi. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mọi thứ đều khó khăn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, khi liên hệ với đơn vị đầu mối thu gom ở xã, chúng tôi đã nắm được những hỗ trợ của địa phương để thương lái vẫn được vào tận vùng na, nhất là việc gắn logo cho phương tiện và tổ chức xét nghiệm mẫu gộp. Điều này thực sự rất quan trọng đối với những người thu mua hoa quả tươi. Hiện mỗi ngày tôi thu mua khoảng 2-3 tấn quả na cho người trồng xã Việt Dân.

Ảnh với chú thích
Những ngày đầu vụ, cơ sở thu mua của bà Trần Thị Thẩm thu mua 3-6 tấn na/ngày cho người dân.

Bà Trần Thị Thẩm (chủ cơ sở thu mua na, xã Việt Dân) cho biết: Na dai Đông Triều thường được thương lái đặt mua cả vườn ngay khi còn non. Khi na bắt đầu chín, từ đầu đến cuối xã tấp nập xe từ các tỉnh vào thu mua. Những ngày vào vụ na, nhà tôi huy động 30-50 người cũng làm không hết việc. Năm nay khi biết dịch sẽ khiến cho các thương lái ở tỉnh ngoài khó vào được, cả xã ai cũng lo, những người diện tích trồng lớn còn “mất ăn mất ngủ”. Giờ thì mọi người đều khá yên tâm khi na chín vẫn có thương lái vào tận xã thu mua. Giá bán dao động từ 20.000-40.000 đồng/kg.

Ảnh trong văn bản

Ảnh với chú thích
Na dai Đông Triều hiện đang được bán online trên sàn thương mại DongTrieu Mart.

Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, thương mại điện tử là một trong những cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Thực tế, hơn 200.000 tấn vải tâm dịch Bắc Giang đã được tiêu thụ bằng hình thức này, giúp nông dân vượt qua những khó khăn. Bên cạnh sự hỗ trợ mạnh mẽ của các bộ, ngành, người dân Bắc Giang đã chủ động tận dụng các hình thức giao dịch qua mạng xã hội, mạnh dạn bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Những kênh phân phối mới này đã giúp cho người dân ở các tỉnh, thành khác có thể mua được quả vải Bắc Giang mà không cần phải ra chợ, siêu thị.

Từ câu chuyện vải Bắc Giang, việc bán hàng đa phương thức đang được TX Đông Triều tập trung triển khai. Trong tháng 6/2021, thị xã đã phối hợp với Sở Công Thương kết nối với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) làm việc với 3 sàn thương mại điện tử lớn là Sendo, Voso, Lazada để kết nối tiêu thụ. Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh phía Nam phức tạp, nên các sàn trên đang tập trung lực lượng hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các tỉnh phía Nam.

Với quyết tâm chủ động tìm hướng đi mới trong tiêu thụ na, Đông Triều đã kết nối với sàn thương mại điện tử "Cúc Cu" cùng HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (Đông Triều). Hai bên đang thống nhất về cách thức hợp tác, phương thức thanh toán, vận chuyển và các điều khoản khác để triển khai ngay trong đầu tháng 8/2021. Thị xã cũng kết nối thành công với chuỗi cửa hàng "Nông sản sạch" tại TP Hạ Long để tiêu thụ. Sau khi khảo sát, đơn vị này đã lựa chọn được 3 nhà vườn để hợp tác thu mua na cả vụ.

Ảnh với chú thích
TX Đông Triều sẽ tổ chức tập huấn về công nghệ thông tin, cách thức bán hàng online để bà con nông dân có thể tự kết nối với các sàn tiêu thụ nông sản thương mại điện tử.

Song song với đó, thị xã xây dựng và đi vào hoạt động sàn thương mại điện tử "DongTrieu Mart". Hiện DongTrieu Mart đã kết nối với 15 hộ trồng na lớn ở các xã Việt Dân, An Sinh, Bình Khê cùng thống nhất chủng loại, đơn giá, cách thức hợp tác, tạo lập gian hàng trên sàn để giao dịch. HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong đảm nhận khâu vận chuyển.

Ảnh với chú thích
Trở thành nông dân 4.0 sẽ là cách để người trồng na Đông Triều mở rộng thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc vào một kênh phân phối.

Mặc dù mới đi vào hoạt động được 2 tuần, DongTrieu Mart đã tiếp nhận nhiều đơn hàng với số lượng khoảng 2 tấn na quả. Dự kiến trong đầu tháng 8, thị xã sẽ tổ chức làm việc với các đơn vị vận chuyển lớn trong tỉnh, như Viettel post, Bưu điện tỉnh... để đảm bảo các đơn hàng online được đưa đến tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời tổ chức các tuần lễ xúc tiến tiêu thụ na tại BigC Hạ Long và khu vực Bãi Cháy; tập huấn về CNTT, cách thức bán hàng online để nông dân có thể tự kết nối với các sàn tiêu thụ nông sản thương mại điện tử (Sendo, Lazada, Cuccu , DongTrieu Mart…), sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo để tiếp cận, bán hàng trực tiếp cho người tiêu thụ.

Ông Nguyễn Xuân Long, Giám đốc HTX Na dai Đông Triều, cho biết: "Từ trước đến nay, người trồng na vẫn “khoán trắng” việc tiêu thụ cho thương lái. Dịch bệnh lần này giúp chúng tôi nhận thấy rằng, bản thân người sản xuất phải có sự thay đổi trong phương thức tiêu thụ. Chúng tôi sẽ phải nhanh chóng trở thành nông dân 4.0 để mở rộng thị trường, tránh tình trạng phụ thuộc vào một kênh phân phối, dẫn đến ép giá, mất giá một cách đáng tiếc".

Ảnh với chú thích
 Trong bối cảnh dịch bệnh, sự chung tay, giúp sức của cộng đồng chính là cách thức tốt nhất để  na Đông Triều vượt qua đại dịch.

Thông qua kênh tiêu thụ ngoài tỉnh, trong tỉnh, các kênh bán hàng hiện đại trên nền tảng giao dịch online, đến hết ngày 28/7, thị xã đã tiêu thụ được khoảng 300 tấn na. Như vậy thay vì kêu khó, Đông Triều đã và đang có sự chủ động rất cao, đưa ra ngay những giải pháp tháo gỡ trong từng tình huống. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đúng thời điểm na chín rộ, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nên cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người trồng na, sự hỗ trợ của các sở, ngành, thì người dân trong tỉnh cũng cần có sự quan tâm, ưu tiên sử dụng hàng nông sản của địa phương để thúc đẩy hoạt động tiêu thụ na Đông Triều một cách tốt nhất.

Ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Thị ủy Đông Triều, chia sẻ: Giá trị của na dai Đông Triều đã được khẳng định trong nhiều năm qua. Các khâu tiêu thụ đang được thị xã tổ chức bài bản, đảm bảo có sự an toàn trong phòng chống dịch tốt nhất. Chúng tôi cũng rất mong doanh nghiệp, người dân chung tay mở rộng thị trường tiêu thụ na, chứ không phải trên tinh thần “giải cứu”. Việc "giải cứu" sẽ khiến tư thương được lợi nhất, nông dân bị ép giá đến thê thảm, trong khi giá đến tay người tiêu dùng lại không hề thấp. Vì vậy, sự chung tay, giúp sức của cộng đồng chính là cách thức tốt nhất để “Nâng niu giá trị nông sản Việt, san sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” theo đúng tinh thần, khẩu hiệu mà Bộ NN&PTNT đưa ra trong bối cảnh hiện nay.

Đặt hàng Online tại: https://dongtrieumart.vn/product/na-dai-dong-trieu

Hoặc đặt hàng trực tiếp tại: https://form.quangninhpr.com/view.php?id=22507

Truy xuất thông tin sản phẩm tại đây:

Loại 1

Loại 2

 

Hoàng Nga

Đồ họa: Mạnh Hà

 

 



Các tin liên quan:
  Quyết định điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Đông Triều đến năm 2040
  Danh mục dự án của thị xã và thứ tự ưu tiên thực hiện trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
  Kết quả triển khai thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 trên địa bàn thị xã Đông Triều
  Tỉnh Quảng Ninh: Na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử
  Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại
  Đông Triều: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
  Nâng chất các sản phẩm OCOP Đông Triều
  Đông Triều: Nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp
  Tiên phong trong lĩnh vực giải quyết TTHC
  Đông Triều: Thúc đẩy ngành Nông nghiệp tăng trưởng
  Thương mại điện tử: Cơ hội đưa nông sản vươn xa
  🥇Quảng Ninh xây dựng sàn thương mại điện tử riêng để tiêu thụ nông sản
  Quảng Ninh đưa na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử
  TX Đông Triều: Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử địa phương
  Thị xã Đông Triều đưa vào vận hành Sàn TMĐT Đông Triều Mart nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm Na cho địa phương.