Language:  
       Giới thiệu về Đông Triều | Thông tin liên hệ
       Thứ sáu, ngày 29/3/2024
 
  Danh mục

Trang chủ > TIN TỨC - SỰ KIỆN

Đồn Cao- địa danh gắn liền với sự hình thành và ra đời của Đệ tứ Chiến khu

05/06/2018 08:58:23 AM
Đông Triều có vị trí, ý nghĩa chiến lược về kinh tế và quốc phòng - an ninh, là vùng đất cách mạng của tỉnh Quảng Ninh. Cách đây 73 năm, vào ngày 8/6/1945, Chiến khu Trần Hưng Đạo - Chiến khu Đông Triều ra đời. Đây là mốc son rực rỡ trong những trang sử vẻ vang, hào hùng của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh nói chung và của thị xã Đông Triều nói riêng. Ba địa danh đã gắn liền với sự hình thành và ra đời của Chiến khu Trần Hưng Đạo đó là Đình Hổ Lao, chùa Bắc Mã và Đồn Cao luôn là niềm tự hào của nhân dân Đệ tứ và là những cơ sở giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay. Với thị xã Đông Triều, Đồn Cao, địa điểm nằm ngay phía sau BCH Quân sự thị xã bây giờ, nơi đặt trung tâm chỉ huy của chế độ thực dân Pháp đối với Đông Triều nói riêng trong thời kì đô hộ của chế độ thực dân Pháp đã đi vào lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Đông Triều.

Thứ trưởng Bộ VH- TT và Du lịch Đặng Thị Bích Liên trao bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Đồn Cao Đông Triều và Đền An Biên cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và thị xã Đông Triều

Khu vực núi Đồn Cao trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là địa điểm mà Thực dân Pháp chọn làm nơi xây dựng cứ điểm trinh sát, ngoài lực lượng đóng tại chỗ, Pháp đã được tăng cường lực lượng pháo binh rất lớn. Di tích Đồn Cao Đông Triều nằm trọn trên quả đồi có độ cao 61m, tổng diện tích trên 145.000 m2. Vị trí Đồn Cao nằm án ngữ tuyến giao thông huyết mạch từ Chí Linh (Hải Dương) đến Uông Bí (Quảng Ninh), từ Kinh Môn (Hải Dương) qua phà Triều sang Đông Triều. Từ Đồn Cao có thể quan sát, phát hiện từ xa các mục tiêu từ phía Bắc xuống phía Nam và từ phía Đông sang Tây của thị xã. Vì vậy, sau khi xâm lược Việt Nam, năm 1896, thực dân Pháp đã tổ chức cho xây dựng một trại lính ở đây để phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược và khai thác vơ vét tài nguyên khoáng sản tại Đông Triều. Năm 1945, nhân dân ta giành chính quyền, Đồn Cao Đông Triều thuộc quyền quản lý của chính quyền cách mạng. Năm 1947, sau nhiều thất bại về việc đánh chiếm Đông Triều, thực dân Pháp liên tiếp mở những trận đánh lớn chiếm lại Đông Triều. Lần này, chúng chiếm đến đâu cho xây dựng củng cố ngay hệ thống đồn bốt tháp canh đến đó, nhằm chiếm giữ lâu dài và khống chế lực lượng ta đánh trả từ xa. Năm 1951, tại Đồn Cao – Đông Triều chúng xây dựng: 02 hầm ngầm, 14 lô cốt, 02 trận địa pháo và hệ thống nhà chỉ huy, nhà nghỉ, khu ăn chơi, khu biệt giam tra tấn tù cộng sản. Các công trình này được bố trí liên hoàn, vững chắc, xung quanh được xây dựng hàng rào kẽm gai bảo vệ trung tâm chỉ huy. Từ năm 1951 đến 1954, Đồn Cao chủ yếu làm nhiệm vụ khống chế và kiểm soát các hoạt động của ta trên toàn tuyến đường 18 và chi viện đắc lực cho các cuộc hành quân càn quét cướp bóc của địch trong khu vực. Ngày 07 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đồn Cao thuộc quyền kiểm soát của ta.

Trải qua thời gian dài, các công trình này hiện nay ở Đồn Cao đã bị hoang phế và hư hỏng; hiện nay 12 lô cốt còn nguyên vẹn, đường hầm đã được cải tạo nâng cấp hoàn chỉnh, riêng khu vực nhà sở chỉ huy, khu sinh hoạt và khu biệt giam của Pháp xây dựng đã bị phá hoại, tháo dỡ phần mái và tường. Nhưng những dấu tích ở đây vẫn là những chứng tích quan trọng đánh dấu một thời kỳ lịch sử không thể quên của dân tộc ta, thời kỳ bị Thực dân Pháp đô hộ và ý chí quật cường không chịu khuất phục của quân và dân ta trong những năm tháng đấu tranh vô cùng khó khăn gian khổ để giành lại độc lập tự do cho đất nước. Chính nơi đây đã chứng kiến một thời khắc mang tính lịch sử quan trọng trong suốt quá trình khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân của nhân dân thị xã Đông Triều nói chung và các địa phương lân cận như Uông Bí, Quảng Yên, Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Hà (Hải Dương); Thủy Nguyên, An Lão, (Hải Phòng) và sau này là toàn bộ vùng duyên hải bắc bộ.

Sáng mùng 8/6/1945, Đồn Cao Đông Triều đã bị nghĩa quân Đệ tứ chiến khu dưới sự chỉ huy của trung tướng Nguyễn Bình đánh chiếm, mở đầu cho cao trào cách mạng tháng Tám trong toàn vùng. Nghĩa quân xuất phát từ chùa Bắc Mã, sau khi đánh chiếm Đồn Cao Đông Triều đã tập kết tại đình Hổ Lao. Tại đây, thay mặt Trung ương, trung tướng Nguyễn Bình đã tuyên bố thành lập chiến khu kháng chiến Trần Hưng Đạo hay còn gọi là Đệ tứ chiến khu. Từ đây, phong trào khởi nghĩa đã ngày càng lan rộng và đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong việc giải phóng khu vực duyên hải bắc bộ và cũng là tiền đề cho thắng lợi hoàn toàn của công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân thuộc khu vực chiến khu nói riêng.

Ngay sau khi thành lập, chiến khu Trần Hưng Đạo hay còn gọi là chiến khu Đông Triều đã nhanh chóng mở rộng cơ sở chính trị, cơ sở vũ trang chuẩn bị cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở vùng duyên hải Đông Bắc, một địa bàn chiến lược quan trọng. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, chiến khu cách mạng đã phát triển với quy mô rộng lớn khắp các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và khi thời cơ tới, lực lượng vũ trang của Đệ tứ chiến khu đã làm nòng cốt cho toàn dân nổi dậy đánh chiếm các trung tâm huyện lỵ, tỉnh lỵ và các thành phố lớn, lật đổ chính quyền tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám lịch sử.

Thắng lợi của chiến khu Trần Hưng Đạo là thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, là thắng lợi của nhân dân toàn vùng duyên hải, trong đó có nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã Đông Triều. 73 năm qua, cuộc khởi nghĩa ngày 8/6 và sự hình thành Chiến khu Trần Hưng Đạo hay còn gọi là Chiến khu Đông Triều, Đệ tứ chiến khu mãi mãi là mốc son lịch sử chói lọi của đảng bộ chính quyền và nhân dân thị xã Đông Triều. Những bài học kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình hình thành và đấu tranh cách mạng của Đệ tứ chiến khu luôn mang ý nghĩa sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển về mọi mặt của thị xã Đông Triều trong các giai đoạn sau này.

Việc giành thắng lợi trong tiến công Đồn Cao Đông Triều đã huy động được sức mạnh tổng hợp của quần chúng, thu hút rất nhiều tầng lớp xã hội khác nhau tham gia như: công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc, học sinh, công chức, tiểu thương, tiểu chủ, tăng ni, thậm chí là cả hào lý, binh lính sỹ quan địch, một số tri huyện, thị trưởng, tỉnh trưởng…Việc phối hợp chặt chẽ giữa phong trào chính trị của quần chúng, với tiến công quân sự và tuyên truyền thuyết phục hàng ngũ quan lại trong chính quyền tay sai để tăng cường sức mạnh và thanh thế cho cách mạng là một bước đi khôn khéo và hết sức mưu lược của chính quyền cách mạng tại Đông Triều. Trong cuộc đấu tranh ấy, quân và dân huyện Đông Triều (nay là thị xã) dưới sự trực tiếp lãnh đạo của Đảng bộ huyện đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân cùng đánh giặc, toàn dân tham gia kháng chiến, đã động viên được sức người sức của, của các tầng lớp nhân dân vào cuộc kháng chiến, đưa phong  trào kháng chiến của huyện từ yếu đến mạnh. Đệ tứ Chiến khu Đông Triều không phải mang tầm vóc địa phương nhỏ hẹp và chỉ có vai trò đối với thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 mà đây là một trong những chiến khu lớn, hoạt động mạnh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đồng thời đã trực tiếp tham gia một cách tích cực vào cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng Tám trên một khu vực rộng lớn và quan trọng của Bắc Bộ.

Hiện nay, vào những ngày kỷ niệm thành lập Đệ tứ chiến khu, ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám hoặc các ngày lễ khác, Đảng bộ và nhân dân thị xã Đông Triều đều tổ chức các đoàn tham quan đến thăm di tích và ôn lại những kỷ niệm của một thời khó khăn gian khổ đánh đuổi thực dân Pháp của Đảng Bộ và nhân dân các dân tộc thị xã Đông Triều nói riêng và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh nói chung. Trong tương lai, đây là nơi giáo dục lịch sử địa phương trực quan và hấp dẫn nhất để hướng các thế hệ trẻ nhớ về những năm tháng khó khăn gian khổ mà các thế hệ đi trước đã từng hy sinh và cống hiến sức người, sức của để giành lại độc lập tự do cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Với những giá trị của di tích, ngày 24/5/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch đã ra quyết định số 2077 xếp hạng di tích lịch sử Đồn Cao Đông Triều là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

73 năm qua, với truyền thống lịch sử cách mạng anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thị xã Đông Triều đã không ngừng ra sức phấn đấu vươn lên, xây dựng thị xã trở thành một trong những địa phương phát triển về mọi mặt. Hiện nay, hạ tầng cơ sở, hạ tầng kĩ thuật, cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân và các mặt khác của đời sống xã hội thị xã Đông Triều đã đổi thay toàn diện. Diện mạo thị xã đã hoàn toàn thay đổi từ đô thị cho đến nông thôn. Lịch sử Đệ tứ chiến khu vẫn mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân vùng duyên hải Đông Bắc nói chung và của nhân dân thị xã Đông Triều nói riêng./.

CTV: Thu Trang

 



Các tin liên quan:
  Quyết định điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Đông Triều đến năm 2040
  Danh mục dự án của thị xã và thứ tự ưu tiên thực hiện trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
  Kết quả triển khai thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 trên địa bàn thị xã Đông Triều
  Tỉnh Quảng Ninh: Na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử
  Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại
  Đông Triều: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
  Nâng chất các sản phẩm OCOP Đông Triều
  Đông Triều: Nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp
  Tiên phong trong lĩnh vực giải quyết TTHC
  Đông Triều: Thúc đẩy ngành Nông nghiệp tăng trưởng
  Thương mại điện tử: Cơ hội đưa nông sản vươn xa
  🥇Quảng Ninh xây dựng sàn thương mại điện tử riêng để tiêu thụ nông sản
  Quảng Ninh đưa na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử
  TX Đông Triều: Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử địa phương
  Thị xã Đông Triều đưa vào vận hành Sàn TMĐT Đông Triều Mart nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm Na cho địa phương.