Language:  
       Giới thiệu về Đông Triều | Thông tin liên hệ
       Thứ sáu, ngày 29/3/2024
 
  Danh mục

Trang chủ > TIN TỨC - SỰ KIỆN

ĐẠI LỄ TƯỞNG NIỆM 710 NĂM PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG

30/11/2018 03:00:02 PM
Đông Triều là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi có bề dày truyền thống yêu nước, lịch sử đấu tranh cách mạng; là quê hương của người nữ tướng anh hùng Lê Chân, là quê gốc của nhà Trần, An Sinh xưa- Đông Triều nay đóng vai trò là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của thời Trần, nơi nhà Trần xây dựng lăng tẩm của các vua và quý tộc hoàng gia; nơi xây cất Thái miếu để thờ phụng tổ tiên và các vua nhà Trần; là vùng đất thánh địa của thiền phái Trúc Lâm, nơi đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chọn vùng đất An Sinh- Đông Triều để nhập niết bàn và hóa Phật tại am Ngọa Vân.

 

Vùng đất Đông Triều ẩn chứa nhiều di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng thời Trần như: chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên, chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, chùa quán Ngọc Thanh, Thái miếu, Đền An Sinh và khu lăng mộ các vua Trần; nơi gắn liền với quá trình hình thành và phát triển rực rỡ của vương triều Trần, một trong những triều đại phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trị vì đất nước trong 175 năm (từ năm 1225 đến năm 1400).

Đông Triều hiện nay đang lưu giữ một hệ thống di tích lịch sử và danh thắng có từ hàng nghìn năm được thể hiện ở các lớp trầm tích văn hóa. Với trên 120 di tích và cơ sở thờ tự, trong đó có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà Trần tại Đông Triều là một quần thể di tích rộng lớn với 14 cụm di tích phân bố trên địa bàn 4 xã An Sinh, Bình Khê, Tràng An và Thủy An. Hầu hết các di tích này hiện đều là những phế tích. Do đó công tác nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo các di tích đòi hỏi cần có một lộ trình cụ thể. Ngày 07/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 307/2013/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với diện tích 2.206 ha, đây là cơ sở định hướng cho việc bảo tồn di tích trong thời gian tới.

Trong lịch sử Việt Nam, vua Trần Nhân Tông được sử sách ngợi ca là một trong những vị vua anh minh nhất, ông là người duy nhất ở Việt Nam được gọi là Phật hoàng. Trong tâm trí của con dân nước Việt, Trần Nhân Tông không chỉ là vị hoàng đế anh hùng đã tạo nên kỳ tích 2 lần chiến thắng quân Nguyên mà Ngài còn là vị tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, mang tư tưởng hòa nhập Đạo với Đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.

Việc xuất gia tu đạo của Thượng hoàng Trần Nhân Tông khi đất nước yên bình đã góp phần không nhỏ cho đời sống chính trị Đại Việt cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV trở nên ổn định, ôn hòa, dân được hưởng cảnh ấm no, hạnh phúc. Võ công hiển hách, tư tưởng minh triết ngời sáng vì dân tộc, vì đời sống con người của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã là biểu tượng rực sáng của dân tộc. Ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn đã trở thành ngày Lễ lớn của Phật giáo Việt Nam.

Đã 710 năm trôi qua kể từ ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm tạ thế, nhưng tinh hoa thiền học của Người vẫn lấp lánh như ngọn hải đăng soi rọi sự phát triển của Phật học Việt Nam. Am Ngọa Vân chính là nơi mà vị anh hùng dân tộc, tổ thứ nhất của Phật giáo Trúc Lâm kết thúc hành trình tu luyện và hóa Phật của mình.

Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của nhà Trần, tên húy là Khâm, ông sinh ngày 11 tháng 11 năm Nguyên Phong thứ 8 (1258). Năm mười sáu tuổi (1274) được sắc phong làm Hoàng thái tử, kết hôn cùng con gái trưởng của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ngày 22 tháng 10 năm 1278 được vua cha Trần Thánh Tông nhường ngôi khi mới 21 tuổi. Theo chế độ đặc biệt của vương triều Trần, vua cha là Trần Thánh Tông làm Thái Thượng hoàng cho đến khi mất năm 1290. Đây là thời gian vua Trần Nhân Tông nắm quyền trị vì cùng Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông lo toan việc nước. Đây cũng là thời gian nước Đại Việt phải đương đầu với một thách thức vô cùng hiểm nguy quyết định sự tồn vong của đất nước. Đó là cuộc xâm lược năm 1285 và năm 1287-1288 của đế chế Mông Nguyên với số lượng quân viễn chinh huy động cao nhất và với những thay đổi trong chiến lược quân sự nhằm quyết tâm đánh chiếm nước Đại Việt để mở đường bành trướng xuống Đông Nam Á.

Trong lịch sử dân tộc, vua Trần Nhân Tông là một trong những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu. Vốn là người thông minh trời phú cộng với tính ham học, lại thừa hưởng một nền giáo dục hết sức rộng rãi với tinh thần cởi mở; kết hợp kiến thức khoa học với văn chương; quân sự với âm nhạc vì thế, ngay từ khi còn trẻ ông đã học thông tam giáo và hiểu sâu Phật điển. Ngay cả thiên văn, lịch số, binh pháp, y thuật, âm luật, không thứ gì là không mau chóng nắm bắt một cách sâu sắc.

Nhờ có đủ tầm vóc về bản lĩnh và trí tuệ như vậy nên mặc dù vừa lên ngôi, vua Trần Nhân Tông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt vượt qua tình thế hết sức hiểm nghèo có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của quốc gia, dân tộc, đó là việc quân Nguyên Mông ráo riết chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần thứ hai. 

Bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình, ông đã khéo léo thi hành các chính sách ngoại giao mềm dẻo nhằm tạo cơ hội cho quân dân Đại Việt có thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị khí giới đồng thời khẩn trương tiến hành một loạt biện pháp nhằm nâng cao tiềm lực chính trị, kinh tế, quân sự, vv… để chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược mà ông biết chắc chắn rằng nó sẽ diễn ra. 

Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, trên dưới một lòng, anh em hòa thuận, ông đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh bại hai cuộc tấn công xâm chiếm của Nguyên Mông, cuộc xâm lược lần thứ 2 (1285) và cuộc xâm lược lần thứ 3 (1288) kết thúc bằng chiến thắng trên sông Bạch Đằng, một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để cho “non sông ngàn thủơ vững âu vàng”2. Dấu ấn của chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 trên sông Bạch Đằng hiện còn lại trên đất Yên Đức của quê hương Đông Triều và những bãi cọc tại Yên Hưng (Quảng Ninh).

Mặc dù quân dân Đại Việt đã giành thắng lợi vẻ vang, bảo vệ vững chắc độc lập của dân tộc song một thực tế rõ ràng là, sau chiến tranh không ít làng xóm, gia đình bị li tán, mùa màng bị tàn phá. Trước tình hình đó, chỉ mấy ngày sau chiến thắng, khi về Thăng Long vua Trần Nhân Tông đã ban chiếu, tuyên bố lệnh đại xá cho thiên hạ và tha tô thuế, tạp dịch cho những vùng đã trải qua chiến tranh, các vùng khác tùy vào mức độ bị tàn phá mà giảm. 

Tiếp sau đó vua cho ban hành hàng loạt chính sách nhằm khoan thư sức dân, thúc đẩy sản xuất, tiến hành khen thưởng những người có công lao trong hai cuộc chiến, đồng thời tùy vào nặng nhẹ mà xử lý với những người mắc tội, để những người lầm lỡ hàng giặc khi giặc tới xâm lược được yên tâm sống, làm việc và có cơ hội chuộc lại lỗi lầm bằng việc lao động, sản xuất và cống hiến. Vua Trần Nhân Tông đã cho đốt toàn bộ giấy tờ, biểu, tấu mà họ đã gửi xin hàng giặc.

Song song với việc giải quyết chính sách hậu chiến, việc tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng phi quân sự bằng việc “chọn các quan văn chia đi cai trị các lộ” cũng được triển khai để thực hiện việc cai trị đất nước theo pháp luật. Từ đó tạo điều kiện cho người dân mở mang sản xuất, phát triển kinh tế. Với hàng loạt chính sách có tính sách lược và chiến lược được ban hành như vậy, Trần Nhân Tông đã đưa Đại Việt nhanh chóng “bước ra khỏi cuộc chiến”, các mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, nhân dân được hưởng cuộc sống thái bình thịnh trị. Có được những kết quả đó là nhờ tài năng và công đức của vua Trần Nhân Tông.

Bên cạnh công cuộc tái thiết đời sống vật chất, tạo bộ mặt tươi đẹp cho đất nước và con người, thì việc xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh cho người dân cũng được vua Trần Nhân Tông quan tâm một cách sâu sắc. Ông tổ chức và gây dựng một quá khứ thần thánh cho dân tộc bằng việc phong thần cho những người có công với dân với nước như Phù Đổng Thiên Vương, Sĩ Nhiếp, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử, Phùng Hưng, Lý Thường Kiệt v.v.. Trong hai đợt phong thưởng cho những người có chiến công trong các cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1285 và 1288, vua Trần Nhân Tông đã không quên tỏ lòng biết ơn những vị anh hùng đã khuất bằng cách phong thưởng cho họ các danh hiệu cao quý 3.

Không chỉ là một vị tướng tài mà Trần Nhân Tông còn là một nhà tư tưởng, một nhà thơ và đặc biệt ông chính là người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, một tông phái Phật giáo đậm chất văn hóa Đại Việt. Tư tưởng Phật giáo của Ông là: hãy vui đạo giữa đời (cư trần lạc đạo), tư tưởng đó cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và nó được đánh giá là sự kết tinh những giá trị cao cả nhất của nhân loại: Trí tuệ, lòng nhân ái và sự hòa giải.

Trên phương diện văn chương, Trần Nhân Tông sáng tác nhiều thể loại văn học khác nhau bao gồm: thơ, phú, ngữ lục, vv.. thơ văn của Trần Nhân Tông “là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do của một nghệ sĩ. Ở đấy cũng thể hiện sự hòa hợp khó chia tách giữa một ngòi bút vừa cung đình vừa bình dị, dân dã, có cả những kiến thức sách vở uyên bác với sự từng trải lịch lãm” .

Vua Trần Nhân Tông là vị vua anh hùng, danh nhân văn hóa dân tộc, người có những đóng góp to lớn về nhiều mặt cho đất nước, cho dân tộc. Dưới thời trị vì của ông (1278-1293), đất nước Đại Việt phải trải qua những thời khắc cam go nhất trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhưng nhờ tài năng và đức độ của mình, ông đã tập hợp được những nhà quân sự tài giỏi, huy động mọi tiềm lực của nhân dân và trực tiếp lãnh đạo quân và dân Đại Việt đánh thắng đội quân hung hãn và thiện chiến nhất thời bấy giờ, làm nên những chiến công oanh liệt, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc. Sau khi giành thắng lợi trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc, ông lãnh đạo đất nước nhanh chóng đi vào ổn định và phát triển, đưa đất nước bước vào thời kỳ thái bình thịnh trị, xã hội phát triển trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và đạt được những thành tựu cao trong kỷ nguyên của văn minh Đại Việt. Đang trên đỉnh cao của quyền lực, ở tuổi 35 ông nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng hoàng. Sau thời gian làm Thái Thượng hoàng, khi đã hoàn thành việc bình Bắc, định Nam, yên việc nước, việc nhà, vua con Trần Anh Tông đã tự mình gánh vác việc quản lý và lãnh đạo đất nước ông xuất gia tu hành khổ hạnh, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, “vân du đây đó” dạy dân chúng phá bỏ dâm từ, thực hành điều thiện, ban thuốc chữa bệnh cứu dân.

Năm 1307, Trần Nhân Tông lên tu tại một am nhỏ trên núi Ngọa Vân; tháng 11, Ngài an nhiên hóa Phật tại Am Ngọa Vân, được suy tôn là: “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”. Am Ngọa Vân chính là nơi mà vị anh hùng dân tộc, tổ thứ nhất của Phật giáo Trúc Lâm kết thúc hành trình tu luyện và hóa Phật của mình.

Với những đóng góp lớn lao trong việc lãnh đạo nhân dân Đại Việt trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước, đưa đất nước phát triển về mọi mặt, làm phát triển hơn nữa những giá trị của nền văn minh Đại Việt, ông đi vào lịch sử dân tộc với vị trí một vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Xuyên suốt lịch sử dân tộc, đã có biết bao nhiêu nhân vật với tư cách là người đứng đầu đất nước, đã có những kì tích lẫm liệt đối với đất nước. Có nhân vật nổi bật lên trong sự nghiệp giữ nước, có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp dựng nước, lại có nhân vật nổi lên trong sự nghiệp mở nước hoặc có một số nhân vật có cả hai hoặc ba lĩnh vực đó. Trần Nhân Tông là một vị Hoàng đế mà sự nghiệp nổi hẳn trên cả ba mặt: Giữ nước, dựng nước và mở nước.

Ngày 6/12/2018 (tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ tưởng niệm 710 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và Đại lễ cầu siêu tại chùa Ngọa Vân, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Qua đây, nhằm tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông- vị Hoàng đế anh minh, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa tư tưởng lớn- nhà tu hành chân chính, mẫu mực; người sáng lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.

Thông qua lễ tưởng niệm đánh giá đúng vai trò của Đức Vua- Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, sự nghiệp Đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo Đại Việt, sự nghiệp tu hành và tư tưởng vĩ đại của Phật giáo Trúc Lâm đã ảnh hưởng sâu rộng đối với nền văn hóa, Phật giáo Việt Nam.

Lễ tưởng niệm 710 năm ngày Nhập niết bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là dịp để tăng ni, phật tử, đồng bào các dân tộc Việt Nam học tập, phát huy tinh thần nhập thế, tinh thần yêu nước của Phật giáo Việt Nam. Với tư tưởng “Hòa quang Đồng trần”, “Cư trần Lạc đạo” của Thiền phái Trúc Lâm, luôn là kim chỉ nam trong hoạt động lợi đạo ích đời của những người con Phật Việt Nam từ xưa đến nay. Tư tưởng đó đã biến thành phương châm “Đạo pháp- Dân tộc- Chủ nghĩa xã hội” của  Phật giáo Việt Nam hiện nay.

CTV: Thu Trang                 

 



Các tin liên quan:
  Quyết định điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Đông Triều đến năm 2040
  Danh mục dự án của thị xã và thứ tự ưu tiên thực hiện trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
  Kết quả triển khai thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 trên địa bàn thị xã Đông Triều
  Tỉnh Quảng Ninh: Na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử
  Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại
  Đông Triều: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
  Nâng chất các sản phẩm OCOP Đông Triều
  Đông Triều: Nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp
  Tiên phong trong lĩnh vực giải quyết TTHC
  Đông Triều: Thúc đẩy ngành Nông nghiệp tăng trưởng
  Thương mại điện tử: Cơ hội đưa nông sản vươn xa
  🥇Quảng Ninh xây dựng sàn thương mại điện tử riêng để tiêu thụ nông sản
  Quảng Ninh đưa na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử
  TX Đông Triều: Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử địa phương
  Thị xã Đông Triều đưa vào vận hành Sàn TMĐT Đông Triều Mart nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm Na cho địa phương.