Language:  
       Giới thiệu về Đông Triều | Thông tin liên hệ
       Thứ tư, ngày 24/4/2024
 
  Danh mục

Trang chủ > TIN TỨC - SỰ KIỆN

Chùa Trung Tiết nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lịch sử

30/11/2018 02:59:28 PM
Chùa Trung Tiết (còn gọi là chùa Tuyết) nằm ở thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013 cùng với quần thể Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Chùa là một di tích kiến trúc tôn giáo được xây dựng và tồn tại lâu đời có mối quan hệ chặt chẽ với quần thể khu di tích đền và lăng mộ các vị vua Trần ở Đông Triều.

 

Chùa Trung Tiết còn có tên gọi khác là chùa Tuyết ( tên nhân dân địa phương gọi chệch chữ Tiết thành Tuyết) được tọa lạc trên thôn Nghĩa Hưng xã An Sinh, thị xã Đông Triều, cách đền An Sinh khoảng 2km về phía Đông Bắc. Chùa Trung Tiết được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013 cùng với di tích đền và lăng mộ các vị vua Trần tại Đông Triều.

Theo Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại chùa Trung Tiết được xây dựng vào đầu thế kỉ thứ 14 do 2 vị trung thần của vua Trần Anh Tông là Đặng Tảo và Lê Chung xây dựng. Đặng Tảo và Lê Chung là người tài năng, đức độ hết mực trung thành được vua Anh Tông và triều đình coi trọng và tin tưởng, năm 1320 khi vua Trần Anh Tông băng hà, chỉ có quốc phụ, Đặng Tảo và Lê Chung được tham dự việc viết di chiếu. Triều đình đã cho xây Thái Lăng để di hài của ngài, 2 ông tự nguyện dời mồ mả tổ tiên đem gia quyến vợ con về đây sinh sống để trông coi lăng mộ, dựng chùa thờ Phật và ở đây suốt đời. Hàng năm khi vua bái yết Thái Lăng, hai ông thường lánh đi chỗ khác, chỉ có ý nguyện ở lại thờ phụng lăng tẩm chứ không đòi hỏi gì khác. Có tài liệu ghi chép lại rằng: thương Đặng Tảo nghèo vua đã ban 20 mẫu ruộng, sai Trần Thế Hưng mang giấy cho, nhưng ruộng này trước kia là của thứ phi Thiên Xuân. Thiên Xuân cứ giữ giấy cũ mà cày cấy, thế mà Đặng Tảo cũng không tranh chấp với bà, Thế Hưng biết chuyện liền tâu thực với vua, vua lập tức thu lại giấy và đem ruộng trả lại cho Đặng Tảo, Đặng Tảo chẳng lấy làm vui mừng. Lê chung dời mồ mả, bán ruộng đất, đem gia quyến vợ con về Yên Sinh làm nhà ở đấy. Cả 2 người đều ở Yên Sinh đến lúc mất. Sau này vua Trần Nghệ Tông tới Yên Sinh, tưởng nhớ đến 2 vị bề tôi trung thành liền sai Trùng An trùng tu lại chùa cũ của Đặng Tảo và Lê Chung, lại cấp ruộng để thờ cúng và ban tên chùa là chùa Trung Tiết( Trung có nghĩa trung thành, hết lòng với người, hết lòng với nước. Tiết là: danh khí và giá trị con người). Sách Việt sử thông giám cương mục ( tập IV, quyển 9) và Đại Nam nhất thống chí cùng ghi về việc này. Trong lịch sử dân tộc Đại Việt không ít những tấm gương thể hiện lòng trung quân ái quốc, song với 2 vị bề tôi dưới thời Trần là Đặng Tảo và Lê Chung đã tận tụy, son sắt một mực vì vua, vì nước mà quên đi lợi ích của gia đình và bản thân đã để lại nét đẹp trong truyền thống văn hóa, đạo lý của người dân Đại Việt.

          Từ xa xưa khi xây dựng công trình kiến trúc tôn giáo, ông cha ta rất coi trọng hướng và thuật phong thủy. Thế đất linh mà các di tích thường chọn phải cao ráo, thoáng mát. Cũng giống như các công trình tôn giáo vào thời ấy, chùa Trung Tiết quay hướng chính Nam. Theo quan niệm dân gian hướng Nam mát mẻ mà thuận hòa phù hợp khí hậu của nước ta mát mẻ về mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Còn theo quan niệm của Phật giáo hướng Nam là hướng hội tụ của mọi ý nghĩa tốt lành, hướng củ bậc thánh nhân, đồng thời hướng Nam còn là bát nhã tức là hướng để phát triển trí tuệ Phật giáo. Chùa được xây dựng trên khu đất bằng phẳng, khuôn viên diện tích khoảng 0,5ha, xung quanh có nhiều cây cối cổ thụ. Xưa kia theo lời kể của nhân dân thì trước chùa có hồ nước rộng 2000 mẫu, trong hồ có 3 quả đồi nhỏ gọi là “ tiểu tam sơn”. Trước đây đường vào chùa theo lối bờ hồ. Sau chùa cách chừng 2km theo đường chim bay là lăng mộ vua Trần Anh Tông, xa hơn một chút là núi Bảo Đài có chùa Ngọa Vân, gần hơn là chùa Quỳnh Lâm nơi tổ thứ 2 thiền phái trúc lâm là Pháp Loa từng trụ trì.Từ đây nhìn về chùa Đồng Yên Tử và nhìn về chùa Thanh Mai ở Chí Linh, Hải Dương. Những hôm trời quang trông rõ bóng chùa, còn hàng ngày chỉ thấy chập trùng mây vờn núi. Như vậy có thể thấy thời Trần vùng đất này đã từng là trung tâm phật giáo của nước Đaị Việt.

          Chùa Trung Tiết dưới thời Trần, nhà Lê đã được trùng tu lại nhiều lần, trải qua thời gian dài bị thiên nhiên hủy hoại, chùa bị xuống cấp. Thời Nguyễn chùa được trùng tu xây dựng lại, hiện còn tấm bia đá trước cửa chùa ghi nhận việc này. Chùa được xây dựng lại dưới thời Nguyễn bao gồm chùa chính, nhà tổ, nhà mẫu và một số công trình phụ trợ khác như nhà tăng, nhà khách, nhà bếp… Đến trước tháng 3 năm 2018, các tổ hợp kiến trúc chùa trung Tiết vẫn còn bao gồm: Chùa chính; Nhà Tổ; Nhà Mẫu.       

          Chùa Trung Tiết nằm trong quần thể khu di tích nhà Trần , có quan hệ mật thiết với Đồng Thái Lăng. Là nơi thờ phật và thờ 2 bề tôi trung thành của vua Trần Anh tông, vị vua thứ 4 của triều đại nhà Trần: Đặng Tảo và Lê Chung. Chùa Trung Tiết được thờ tự theo hình thức tiền Phật hậu Thần, ngay từ khi mới trùng tu tôn tạo, chùa là nơi hội tụ của vua quan quý tộc triều Trần mỗi khi về thăm viếng và tế lễ khu lăng mộ các vua Trần. Là công trình xây dựng trong thời kì thịnh hưng của Phật giáo, lại là công trình do triều đình xây dựng nên được vương công quý tộc nhà Trần coi trọng và chăm lo tu tạo. Chùa là nơi giáo dục thế hệ sau về đạo lý tốt đẹp dân tộc ta, về nghĩa vụ con người trong việc thực hiện đạo lý “tam cương, ngũ thường” mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta noi theo và học tập.

Chùa Trung Tiết tuy được trùng tu tôn tạo lại nhiều lần, qua nhiều thời kì, xong những di vật mang phong cách thời Trần vẫn được lưu giữ tại đây, đã phản ánh rõ nét niên đại xây dựng, quy mô cũng như phát triển của kiến trúc thời Trần. qua các hiện vật như tảng đá kê, chân cột, đặc biệt là tảng đá kê chân cột trang trí hình hoa sen có niên đại vào thời Trần, gạch, cổ rồng, bia đá, tượng thờ... còn lưu giữ tại chùa giúp ta có thể hiểu thêm về sự phát triển rực rỡ nghệ thuật điêu khắc thời Trần, về tư tưởng và nét độc đáo của dân ta trong việc khẳng định bản sắc rất riêng của dân tộc.

Với giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, năm 2012 chùa trung Tiết được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Và đến năm 2013 chùa Trung Tiết cùng hệ thống đền chùa, lăng thờ các vua Trần được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Trong thời đại ngày nay, khi đất nước đang mở rộng quan hệ giao thương với các quốc gia trên thế giới, sự du nhập văn hóa ngoại lai ngày càng tăng, để duy trì những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, chúng ta cần bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt giá trị lịch sử văn hóa của những di tích mà bản thân nó đang chứa đựng những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Với chùa Trung Tiết, chúng ta cần quan tâm hơn bao giờ hết bởi giá trị văn hóa vô cùng quý giá được lưu giữ tại đây là đạo đức của mỗi con người. Biểu tượng đạo đức của 2 vị trung thần của vua Trần Anh Tông đã và đang được nhân dân khắp mọi miền tổ quốc đến chùa tôn vinh và chiêm bái. Đó là một trong những hình ảnh tiêu biểu về đạo lý của người Việt Nam.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích chùa Trung Tiết, phục vụ phát triển du lịch gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và du khách trong và ngoài nước. Ngày 10/4/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo di tích chùa Trung Tiết, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, trên tổng diện tích 2,55 ha. Với tổng mức đầu tư: 79,253 tỷ đồng. UBND thị xã Đông Triều làm chủ đầu tư, huy động nguồn xã hội hóa với quy mô đầu tư: Tôn tạo xây mới Tam quan + cổng phụ, tam bảo (bao gồm Tam bảo + thượng điện + hành lang nhà tổ), nhà mẫu, đền thờ Vua và hai vị trung thần, nhà tăng, nhà khách, nhà bếp, vệ sinh, sân vườn và hạ tầng kỹ thuật.

 * Về phương án thiết kế tổng mặt bằng:

Quy hoạch lại toàn bộ không gian cảnh quan khu vực. Dựa trên điều kiện thực tế, với nguồn quỹ đất của di tích, quỹ đất tự có của nhà chùa, nguồn quỹ đất của địa phương, các phương án giải phòng đền bù, các nhu cầu đáp ứng mở rộng diện tích tổng thể lên đến 2,55ha, trong đó khu vực nội tự là 15.300m2, khu vực phía trước Tam quan bao gồm đường đi vườn cây và hồ bán nguyệt là 8.835m2, khu vực bãi xe là 1.600m2.

Đối với khu vực phía trước di tích, sau khi giải phóng mặt bằng giữ nguyên mặt nước có sẵn (hồ bán nguyệt), cải tạo lại sân vườn, đường đi lối lại, quy hoạch lại hệ thống cây xanh tạo cảnh quan phía trước, không xây dựng các công trình phụ trợ, tiếp đón, bán hàng... tại khu vực này. Mở rộng đường đi phía trước sân di tích, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận di tích khi đông người hoặc có sự cố xảy ra.

Đối với khu vực nội tự: Hạ giải toàn bộ các công trình kiến trúc cũ: Tam bảo, nhà thờ, nhà mẫu, cổng vào, nhà tăng, nhà khách... để quy hoạch sắp xếp lại toàn bộ các hệ thống công trình và cảnh quan. Về hướng và trục chính của di tích vẫn giữ nguyên theo hướng và trục của tòa tam bảo cũ.

Dựa trên địa hình tự nhiên khu vực, chia khu vực nội tự thành 2 cấp nền chính: phía trước: Nền tam bảo và nền khu vực hai bên; phía sau gồm: đền thờ vua và 2 vị trung thần, đền mẫu, khu phụ trợ. Theo trục chính bao gồm các hạng mục: tam quan, tam bảo, nhà tổ. Phía trước đăng đối hai bên tam bảo xây dựng nhà che bia  (Trung tiết tự bi) và nhà che các hiện vật khảo cổ. Tháp phật nằm phía trước bên tả của tam bảo kết hợp cùng các tháp mộ, tháp tổ tạo nên một sự đa dạng, phong phú trong cảnh quan không gian phía trước di tích. Nhà mẫu nằm ở sân bên tả tam bảo, phía sau là hệ thống các công trình phụ trợ nhà khách, nhà tăng, bếp ăn, khu vệ sinh... Khu vực thờ vua và hai vị trung thần được tách độc lập phía hữu tam bảo tạo vẻ uy nghi bề thế riêng biệt.

Hệ thống sân vườn, cây xanh, đường đi được quy hoạch, định vị lại.

* Về phương án tu bổ tôn tạo các hạng mục di tích:

  1. Tam quan, cổng phụ:

Tam quan nằm trên trục chính Tam bảo, Tam quan có quy mô vừa phải với hình thức và chất liệu truyền thống, gồm 3 gian, bốn hàng chân cột phía dưới xây thu hồi bít đốc với trụ lồng đèn, kết cấu khung cột vì kèo gỗ lim. Phía trên làm chồng diêm bốn mái có đao. Nền lát gạch bát, cửa đi kiểu cối quay, mái lợp ngói mũi hài. Tam quan kết hợp với cổng phụ hai bên tạo lối đi lại thuận lợi cho việc sử dụng hàng ngày của tăng, ni cũng như du khách hành hương. Về mặt kiến trúc, cổng tam quan kết hợp hai cổng phụ tạo nên vẻ bề thế, uy nghi hơn cho mặt tiền tổng thể di tích. Hai cổng phụ được xây gạch cuốn vòm, kiến trúc 1 tầng mái, mái dán ngói mũi hài.

  1. Nhà che bia, nhà che hiện vật khảo cổ:

Nhà che bia, Nhà che hiện vật khảo cổ nằm đối xứng hai bên sân trước Tam bảo mục đích của hai nhà che này ngoài việc để bảo quản trưng bày tấm bia Trung Tiết tự bi thời Bảo Đại, các hiện vật khảo cổ như chân tảng đá, ngói tượng rồng... còn đóng góp một phần không nhỏ trong tổng thể kiến trúc, làm phong phú hơn không gian kiến trúc là điểm nhấn cho khu vực phía trước Tam bảo. Kiến trúc làm bằng gỗ lim với bốn hàng chân cột để trống (16 cột), kiểu chồng chiêm tám mái có đao. Nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài.

  1. Tam bảo, hành lang, nhà Tổ:

Được xây dựng trên nền tam bảo cũ. Kiến trúc Tam bảo, hành lang, nhà tổ có mặt bằng nội công ngoại quốc 1 tầng mái, sử dụng hình thức và chất liệu truyền thống, nền lát gạch bát, hệ cột vì kèo gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, cửa đi bức bản thượng song hạ bản.

Tiền đường gồm 5 gian 2 chái bốn hàng chân cột với góc đao phía trước. Thiêu hương nối Tiền đường và Thượng điện ở gian giữa, Thượng điện gồm 1 gian 2 chái với 4 góc đao, nền cao hơn 0,15m so với Tiền đường. Hai dãy hành lang hai bên nối từ chái của Tiền đường xuống Nhà tổ, phía trong để trống, phía ngoài được xây tường bao nối liền với tường hồi của Tiền đường và Nhà tổ, ở gian cuối hai dãy hành lang có lối ra sân ngoài. Hành lang gồm 7 gian, kết cấu 2 hàng chân cột. Nhà tổ gồm 5 gian 2 chái, 4 hàng chân cột. Khu vực thờ tổ gồm 5 gian giữa, hai chái hai bên làm phòng ở của sư trụ trì. Mặt trước nhà tổ là bậc cấp dẫn xuống sân trong.

  1. Đền thờ Vua và hai vị trung thần:

Xuất phát từ cấu trúc thờ tự cũ: thờ hai vị trung thần của vua Trần Anh Tông là Đặng Tảo và Lê Chung trong cùng hệ thống thờ Tổ của chùa, nhóm tư vấn đề xuất tách riêng không gian thờ thần ra ngoài không gian thờ Tổ. Hai vị trung thần Đặng Tảo và Lê Chung sẽ được thờ riêng cùng vị hoàng đế anh minh của họ là vua Trần Anh Tông. Việc tách riêng này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc thờ tự; đồng thời đây cũng là nét đẹp, nét văn hóa đặc sắc trong thờ cúng của người Việt, vừa góp phần giáo dục truyền thống vừa làm rõ ràng phong phú hơn về lịch sử chùa Trung Tiết. Vị trí đền thờ cũng được bố trí riêng biệt, độc lập hơn so với các hạng mục khác của di tích.

Đền thờ nằm bên trái Tam Bảo, Đền thờ vua được xây dựng với mặt bằng hình chữ đinh. Bên ngoài là hai ban thờ hai vị trung thần Đặng Tảo và Lê Chung, trong cung thờ vua Trần Anh Tông. Kiến trúc công trình gồm bốn hàng chân cột, xây thu hồi bít đốc với 2 trụ biểu phía trước. Tiền tế ba gian hai chái, mặt trước 3 gian giữa mở cửa đi kiểu bức bàn thượng song hạ bản, 2 chái hai bên làm cửa sổ chữ thọ. Chuôi vồ làm cung cấm với lớp cửa phía ngoài. Nền lát gạch bát, chân tảng đá xanh, hệ cột vì kèo gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài.

  1. Đền Mẫu:

Đền Mẫu nằm bên phải Tam Bảo nằm ở vị trí đăng đối với Đền thờ vua qua trục chính của Tam bảo. Kiến trúc đền mẫu có mặt bằng chữ đinh, bốn hàng chân cột, xây thu hồi bít đốc với 2 trụ biểu phía trước. Tiền tế ba gian hai chái, mặt trước 3 gian giữa mở cửa đi kiểu bức bàn thượng song hạ bản, 2 chái hai bên làm cửa sổ chữ thọ. Nền lát gạch bát, chân tảng đá xanh thanh hóa, hệ cột vì kèo gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài.

  1. Nhà Tăng, nhà Khách:

Nằm ở phía sau đền Mẫu là nhà tăng, phía bên trái đền Mẫu là nhà khách, Nhà tăng, nhà khách có hình thức kiến trúc giống nhau chỉ khác về cách bố trí phòng, được xây dựng với mặt bằng hình chữ nhất, hệ cột bê tông cốt thép, vì kèo gỗ, xây thu hồi bít đốc, 3 gian giữa mở cửa với cánh cửa thượng song hạ bản, 2 chái hai bên có cửa đi và cửa sổ làm cánh pa nô. Nền lát gạch đỏ, hệ vì kèo gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài.

  1. Nhà bếp:

Nhà bếp nằm ở góc bên trái phía sau của tổng thể chùa, kiến trúc mặt bằng hình chữ nhất, xây thu hồi bít đốc, 3 gian đầu là phòng ăn, 2 gian cuối là phòng bếp. Nền lát gạch đỏ, hệ khung cột bê tông cốt thép, mái dán ngói mũi hài, hệ cửa đi, cửa sổ cánh pa nô.

  1. Nhà vệ sinh:

Khu vệ sinh nằm ở cuối cùng góc bên trái phía sau của tổng thể khu di tích. Kiến trúc mặt bằng hình chữ nhất, xây thu hồi bít đốc. Nền lát gạch chống trơn, hệ khung cột bê tông cốt thép, tường gạch, mái dán ngói mũi hài, hệ cửa cánh pa nô.

Ngày 13/5/2017 (tức ngày 18/4 năm Đinh Dậu) UBND thị xã Đông Triều phối hợp với GHPG tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ khởi công, tôn tạo chùa Trung Tiết. Đến nay, dự án đầu tư xây dựng công trình: Bảo tồn, tôn tạo di tích chùa Trung Tiết, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện và được khánh thành vào ngày 01/12/2018 (tức ngày 25 tháng 10 năm Mậu Tuất).

Lễ khánh thành chùa Trung Tiết- Di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân, các vua nhà Trần đối với đất nước nói chung, vùng đất An Sinh- Đông Triều nói riêng, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần tại Đông Triều. Đây là công trình chào mừng 710 năm- Ngày Đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn tại am Ngọa Vân (01/11/Mậu Thân 1308- 01/11/Mậu Tuất 2018).

Thông qua buổi lễ nhằm quảng bá về Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều nói chung, di tích chùa Trung Tiết nói riêng, từng bước phục hồi di tích, lễ hội… giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và vùng đất, con người quê hương Đông Triều. Công trình hoàn thành sẽ tạo điểm nhấn quan trọng quảng bá hình ảnh của Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh của địa phương nói riêng, của tỉnh Quảng Ninh nói chung.

CTV: Thu Trang                 

 



Các tin liên quan:
  Quyết định điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Đông Triều đến năm 2040
  Danh mục dự án của thị xã và thứ tự ưu tiên thực hiện trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
  Kết quả triển khai thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 trên địa bàn thị xã Đông Triều
  Tỉnh Quảng Ninh: Na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử
  Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại
  Đông Triều: Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
  Nâng chất các sản phẩm OCOP Đông Triều
  Đông Triều: Nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp
  Tiên phong trong lĩnh vực giải quyết TTHC
  Đông Triều: Thúc đẩy ngành Nông nghiệp tăng trưởng
  Thương mại điện tử: Cơ hội đưa nông sản vươn xa
  🥇Quảng Ninh xây dựng sàn thương mại điện tử riêng để tiêu thụ nông sản
  Quảng Ninh đưa na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử
  TX Đông Triều: Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử địa phương
  Thị xã Đông Triều đưa vào vận hành Sàn TMĐT Đông Triều Mart nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm Na cho địa phương.